Tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia của ngành di sản, thư viện và lưu trữ, bàn về các nội dung, gồm: Xu thế của chuyển đổi số trong lưu trữ, đặc biệt trong hoạt động giới thiệu tài liệu đến công chúng; những cơ hội và thách thức của chuyển đổi số ngành lưu trữ; chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị, cá nhân; đưa ra giải pháp trong thời gian tới…
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết: “Chúng ta vẫn thường hiểu lưu trữ là một ngành rất trầm lắng, được ít người biết đến. Để chuyển đổi số trong ngành lưu trữ thì trước hết chúng ta cần phải chuyển đổi về nhận thức của các cán bộ, nhân viên. Trong thời đại công nghệ số, tài liệu của ngành lưu trữ cần phải được phục vụ đến đông đảo công chúng trong nước và quốc tế”.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm cần phải mở các dịch vụ trực tuyến về tra cứu, tìm kiếm, sao chép, biên dịch thông tin dữ liệu.
Thay vì người dùng phải đến các trung tâm lưu trữ tìm kiếm dữ liệu, thì thông qua công nghệ họ có thể dễ dàng ngồi ở nhà và tiếp cận thông tin. Lưu trữ không phải của nhà nước mà của từng con người, với công nghệ hiện nay thì hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Những năm gần đây, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành hệ thống cơ quan nhà nước tiến tới Chính phủ điện tử đang diễn ra rất nhanh chóng tại Việt Nam. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước với tư cách là một trong những cơ quan đầu mối giúp Bộ Nội vụ và Chính phủ trong công tác này đã có rất nhiều nỗ lực để thúc đẩy việc chuyển đổi số trong Lưu trữ nói riêng và quản lý hệ thống văn bản hành chính tại Việt Nam nói chung.
Vì vậy, tháng 9 vừa qua ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã được vinh danh trong 18 gương mặt lãnh đạo chuyển đổi số Việt Nam tiêu biểu năm 2021.
Ý kiến bạn đọc