Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)
Chia sẻ ký ức là cách tốt nhất để phát huy giá trị của di sản, nâng cao trách nhiệm của mỗi người trong việc phát huy di sản.
Quan điểm trên được nhà sử học Dương Trung Quốc nêu tại tọa đàm “Chia sẻ ký ức-Phát huy di sản,” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) tổ chức sáng 24/2.
Tọa đàm nhằm đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động phát huy giá trị di sản, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng, phát động các phong trào hiến tặng, chia sẻ tài liệu nói chung trong xã hội. Qua đó, phát huy hiệu quả di sản vì lợi ích chung của toàn xã hội.
Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ, chia sẻ và phát huy di sản góp phần giáo dục tình yêu di sản, là tiền đề cho việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ.
[Xây dựng ý thức, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam]
Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, cho biết phát huy giá trị tài liệu là một trong các nhiệm vụ quan trọng của trung tâm. Nhiều năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, trung tâm đã đưa di sản tài liệu lưu trữ đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước để lan tỏa giá trị đến với đời sống xã hội.
Trung tâm cũng nhận được sự hưởng ứng đóng góp tư liệu của nhiều cá nhân để các hoạt động phát huy giá trị di sản ngày càng hiệu quả.
Đơn cử như cuộc Triển lãm “Cầu Long Biên-chứng nhân lịch sử” mới đây, lần đầu tiên trung tâm kêu gọi cá nhân, tổ chức đóng góp chia sẻ tài liệu, tư liệu, hình ảnh cầu Long Biên để chia sẻ, kể câu chuyện về cây cầu từ khi được xây dựng cho đến ngày nay.
Kết quả thu được đã vượt mong đợi của trung tâm. Nhiều bức ảnh, ký ức của các cá nhân, nhiếp ảnh gia, nhà báo, họa sỹ gửi đến đều mang câu chuyện riêng và được chia sẻ trong không gian triển lãm, là một phần quan trọng làm nên thành công của cuộc triển lãm.
Hiện nay, bên cạnh khối tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các Lưu trữ quốc gia, còn rất nhiều tài liệu, tư liệu đang nằm rải rác trong các bộ sưu tập của các cá nhân, tổ chức, cũng như trong các câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử.
Các tài liệu, tư liệu này có mối quan hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau, giúp phác họa được bức tranh về đời sống xã hội một cách toàn diện nhất trong lịch sử.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc chia sẻ ký ức dưới nhiều hình thức đã trở thành một xu hướng cũng như nhu cầu tất yếu của xã hội.
Các cá nhân và tổ chức đã chủ động chia sẻ thông tin phục vụ cho đông đảo công chúng. Do đó, chia sẻ sẽ tạo cơ hội cho di sản hội tụ và phát huy giá trị tốt nhất.
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, con người có hai xu hướng, một là “giữ khư khư cho mình,” hai là “mang ra khoe.” Phải có phương thức để đánh thức, khích lệ phát huy những tài liệu, tư liệu lưu trữ cá nhân. Chia sẻ chính là tạo ra sự tích hợp.
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho rằng chúng ta thường nghĩ lưu trữ và bảo tàng là nơi để cất giữ, nên nó xa lạ. Khối lượng di sản trong các lưu trữ rất lớn, giá trị, chia sẻ khối tài liệu lưu trữ, những ký ức trong các kho lưu trữ là vô cùng ý nghĩa.
Các tài liệu, ký ức nằm trong lưu trữ chỉ là một phần, còn phần lớn là nằm trong cộng đồng. Vì thế, việc vận động cộng đồng chia sẻ tài liệu, ký ức là rất quan trọng. Nhiều khi chúng ta không nhận ra được giá trị của những tư liệu, có người nắm giữ di sản nhưng không thấy hết được giá trị nên sẵn sàng bỏ đi.
Cần đánh thức cộng đồng để không vô tình làm mất đi những di sản quý giá, chia sẻ ký ức để chúng ta có hiểu biết nhiều hơn về lịch sử, văn hóa. Các Trung tâm Lưu trữ thường xuyên tổ chức triển lãm, trưng bày, kêu gọi chia sẻ tài liệu lưu trữ chính là những cuộc tổng kiểm kê các di sản văn hóa.
Từ kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực bảo tàng, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh người làm công tác bảo tàng cần biết lắng nghe và tôn trọng các ý kiến. Khi người dân mang tư liệu đến, đầu tiên phải thể hiện sự tôn trọng, phải biết lắng nghe, chia sẻ câu chuyện họ mang đến. Trong quá trình chia sẻ với cộng đồng, phải giữ được chữ tín, niềm tin, có vậy những tư liệu đang nằm trong cộng đồng sẽ được chia sẻ nhiều hơn nữa.
Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho hay Luật Di sản văn hóa sẽ được sửa đổi toàn diện, trong đó điểm nhấn là vấn đề di sản tư liệu sẽ được đưa vào luật.
“Với việc đưa vào luật, chúng ta có công cụ pháp lý cao nhất để bảo vệ các tài liệu lưu trữ nói chung và di sản tư liệu nói riêng,” ông Phong nói.
Trước khi Luật sửa đổi được ban hành, Cục Di sản văn hóa và Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước sẽ chỉ đạo các cơ quan ngành dọc trên cả nước phối hợp khai thác và sử dụng hiệu quả nhất khối tài liệu di sản tư liệu trong các bảo tàng, di tích, trung tâm lưu trữ thông qua hoạt động trưng bày chuyên đề, giới thiệu các danh mục tài liệu lưu trữ, nội dung thông tin, tài liệu.
Để phát huy khối tài liệu trong dân, Bộ sẽ chỉ đạo các bảo tàng công lập nghiên cứu, phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức các trưng bày chuyên đề.
Nhìn từ hai phía, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho rằng cơ quan nhà nước phải là đi trước trong việc chia sẻ tài liệu, tư liệu. Những cuộc triển lãm là một phần trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, ngay trong cùng hệ thống cơ quan nhà nước, việc chia sẻ với nhau cũng không hề dễ dàng.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, chia sẻ về những kết quả đã đạt được và chủ trương của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trong thời gian tới để thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)
Ông Đặng Thanh Tùng cũng đề cập đến việc sửa đổi Luật Lưu trữ với việc đưa nội dung lưu trữ tư vào trong luật nhằm phục vụ tốt hơn việc chia sẻ tài liệu, tư liệu.
“Trước đây, theo định nghĩa trong Luật Lưu trữ, tài liệu lưu trữ là vật mang tin, thì giờ đây không còn là vật mang tin mà là thông tin. Đây là quan điểm quan trọng, đặc biệt có ý nghĩa đối với việc chia sẻ, vì chia sẻ vật mang tin rất khó, chia sẻ thông tin rất dễ. Mọi thứ sẽ thay đổi, cách thức chúng ta giữ các vật chứa thông tin cũng thay đổi, cách thức chúng ta chia sẻ với nhau có thể sẽ thay đổi, nhưng cái không bao giờ thay đổi là thông tin chỉ có giá trị khi nó được chia sẻ và được sử dụng bởi tất cả mọi người. Khi được quan niệm tài liệu không phải là vật mang tin mà là thông tin thì đích cuối cùng của việc chia sẻ sẽ có giá trị đặc biệt,” ông Đặng Thanh Tùng khẳng định.
Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm cũng trao đổi nhiều câu chuyện về việc sưu tầm, chia sẻ, phát huy giá trị các di sản.
Nghệ sỹ Trần Quốc Dũng, người tặng cây cầu Long Biên bằng tre trong Triển lãm “Cầu Long Biên-chứng nhân lịch sử,” cho biết di sản phải có sự thú vị, nên anh đã dựng mô hình cây cầu Long Biên bằng tre. Anh muốn nối ký ức quá khứ với hiện tại và tương lai. Trong thời đại ngày nay, có nhiều cách để công chúng có thể tiếp cận với các biểu tượng, công trình như cầu Long Biên, và thế hệ trẻ có thể biết được các thông tin trong quá khứ thông qua cây cầu, “biết mình đi đâu và từ đâu mình đến.”
Còn nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng (Nam Định) cho hay khối lượng bộ sưu tập báo và tạp chí của ông đến nay đã lên tới 20 tấn. Trong số này, có nhiều tờ báo đặc biệt quý đối với ông, đó là tờ Gia Định Báo, xuất bản năm 1896 - tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ; tờ báo Cờ Giải Phóng - Cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 1 ra ngày 10/10/1942. Để mua được tờ báo Cờ Giải Phóng này, ông đã phải bỏ ra 50 triệu đồng.
Ông Dũng chia sẻ sẵn lòng tặng 1 tờ báo có ngày, tháng, năm sinh trùng với ngày sinh nhật của bạn bè và ông đang hướng đến hình thành bảo tàng báo chí tư nhân trước năm 2025 ./.
(Theo Vietnamplus)
Nguồn tin: www.archives.org.vn
Ý kiến bạn đọc