Lịch sử và ý nghĩa của Ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam

Thứ năm - 02/01/2025 21:14 0
Ngày 3/1 hàng năm đã trở thành dấu mốc quan trọng đối với ngành Lưu trữ Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường phát triển và tôn vinh những đóng góp thầm lặng của cán bộ làm công tác lưu trữ trong việc gìn giữ ký ức lịch sử, phục vụ nghiên cứu và phát triển đất nước.
      Ngày mùng 02 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngay từ ngày đầu ra đời, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có sự quan tâm đặc biệt đến công tác lưu trữ. Ngày 08 tháng 9 năm 1945, Chính phủ đã thành lập và bổ nhiệm người đứng đầu Nha Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc thuộc Quốc gia Giáo dục.
     Sau khi giành chính quyền, một hiện tượng phổ biến xảy ra ở các công sở là hồ sơ, tài liệu của chế độ cũ để lại đã bị tùy tiện tiêu hủy hoặc đem bán. Vì vậy, ngày 3/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 1-C/VP gửi các ông bộ trưởng của Chính phủ lâm thời.
LTVN 01
Thông đạt 1-C/VP ngày 03/01/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Sưu tầm
      Thông đạt nêu rõ: “Xét rằng một vài công sở đã tự tiện hủy bỏ hay bán các công văn và hồ sơ cũ. Hành động ấy có tính cách phá hoại, vì sợ làm mất những tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia. Vậy yêu cầu các ông Bộ trưởng ban chỉ thị cho nhân viên các sở phải gìn giữ tất cả các công văn, tài liệu và cấm không được hủy những công văn, tài liệu ấy nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép hủy bỏ. Xin nhắc rằng những hồ sơ hoặc công văn không cần dùng sau này sẽ phải gửi về những sở lưu trữ công văn thuộc Bộ quốc gia Giáo dục tàng trữ. Những viên chức không tuân lệnh này sẽ bị nghiêm trị”.
     Thông đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện chỉ đạo đầu tiên hết sức quan trọng của Nhà nước ta về công tác lưu trữ. Văn kiện đó đã góp phần ngăn chặn tình trạng tùy tiện tiêu hủy hồ sơ tài liệu trong các cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân ta về ý nghĩa, tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ. Vì vậy, Thông đạt thực sự là một văn kiện có giá trị cao về mặt lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển công tác lưu trữ ở nước ta.
     Ngày 4/9/1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102-CP về việc thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng. Đây là cơ quan có chức năng giúp Nhà nước quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Nhà nước trong việc ban hành các chế độ, quy định về công tác lưu trữ… Việc thành lập Cục Lưu trữ - cơ quan quản lý toàn quốc về công tác lưu trữ - đã khẳng định một bước tiến quan trọng về xây dựng tổ chức của ngành lưu trữ Việt Nam. Từ đây, nước ta có một cơ quan quản lý cao nhất về công tác lưu trữ, tạo điều kiện xây dựng ngành lưu trữ nước ta với hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ, hệ thống các văn bản pháp lý và cơ sở lý luận khoa học nghiệp vụ ngày càng hoàn chỉnh hơn. Đồng thời Pháp lệnh Bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam ký Lệnh công bố vào ngày 11/12/1982.
      Lần đầu tiên trong lịch sử, công tác lưu trữ Việt Nam, những quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo chủ yếu của Đảng, Nhà nước đã được thể chế hóa bằng một văn bản pháp luật, trong đó đã quy định những vấn đề cơ bản nhất về tổ chức, quản lý tài liệu lưu trữ và công tác lưu trữ. Pháp lệnh ra đời cũng khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác lưu trữ; đánh dấu một bước tiến vượt bậc của ngành lưu trữ trong lĩnh vực xây dựng pháp luật lưu trữ và tổng kết các vấn đề lý luận, thực tiễn trong công tác lưu trữ ở Việt Nam.
Nhằm tuyên truyền sâu rộng về lịch sử và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Lưu trữ, năm 2006, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã thành lập một Ban nghiên cứu để lựa chọn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày Lưu trữ Việt Nam. Vào thời điểm bấy giờ, để lựa chọn được tên gọi, ngày, sự kiện làm Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam là một vấn đề không hề dễ dàng, cần phải bàn bạc kỹ lưỡng, thống nhất trong toàn ngành.
      Về tên Ngày truyền thống của Ngành có 2 phương án được đưa ra là: “Ngày Lưu trữ Việt Nam” và “Ngày Lưu trữ Nhà nước Việt Nam”. Cuối cùng, tên gọi “Ngày Lưu trữ Việt Nam” đã nhận được đông đảo các ý kiến đồng thuận:
      - “Ngày Lưu trữ Việt Nam” là ngày chung của cả ngành Lưu trữ, không phân biệt là ngày của hệ thống lưu trữ Nhà nước, lưu trữ của các tổ chức chính trị hay hệ thống lưu trữ tư nhân.
      - Lấy tên “Ngày Lưu trữ Việt Nam” sẽ động viên, phát huy được lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm của các cán bộ làm công tác lưu trữ ở mọi cơ quan, tổ chức, mọi ngành nghề trên toàn quốc cùng bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia.
      Về các mốc sự kiện được đưa ra lựa chọn làm Ngày Lưu trữ Việt Nam: Theo tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, các sự kiện lớn gắn với sự phát triển của Lưu trữ Việt Nam được đưa ra để lựa chọn làm ngày truyền thống gồm:
      - Năm 1825, Tàng thư lâu (Kho Lưu trữ của triều Nguyễn) được xây dựng.
      - Ngày 29/11/1917, Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương được thành lập.
      - Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21/SL cử Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc.
      - Ngày 03/01/1946, Chủ tịch Hồ chí Minh đã ký Thông đạt số 1-C/VP gửi các Bộ trưởng của Chính phủ lâm thời.
      - Ngày 04/9/1962, Hội đồng chính phủ đã ban hành Nghị định số 102-CP v/v thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng.
      - Ngày 11/12/1982, Chủ tịch Hội đồng nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký lệnh công bố Pháp lệnh Bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia.
      Qua phân tích ý nghĩa các sự kiện, sau khi lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, Cục Lưu trữ Văn Phòng Trung ương Đảng, ngày 06/6/2007, Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 1619/TTr-BNV trình Thủ tướng Chính phủ xem xét lấy ngày 03/01 hằng năm là ngày Lưu trữ Việt Nam với lý do sau:
      - Thông đạt số 1-C/VP có ý nghĩa to lớn về cả lý luận và thực tiễn đối với công tác lưu trữ Việt Nam - công tác lưu trữ của Nhà nước cách mạng Việt Nam.
      - Lần đầu tiên trong lịch sử, tài liệu lưu trữ được Nhà nước khẳng định là của nhân dân và toàn dân phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ tài sản chung của dân tộc.
      - Thông đạt thể hiện tầm nhìn sâu sắc của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đối với công tác lưu trữ và giá trị của tài liệu lưu trữ ngay khi đất nước mới giành được độc lập.
      - Thông đạt khẳng định việc giữ gìn tài liệu lưu trữ là một yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người dân, mỗi cán bộ, người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức; tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
      Trên cơ sở Tờ trình của Bộ Nội vụ, ngày 17/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1229/QĐ-TTg về Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam. Điều 1 Quyết định ghi: “Ngày 03 tháng 01 hàng năm là ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam - lấy tên là “Ngày lưu trữ Việt Nam””  với mục đích: Giáo dục truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của những người làm công tác lưu trữ và của toàn xã hội trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Động viên phong trào thi đua lao động, nâng cao ý thức kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Lưu trữ; Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.
LTVN 02
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Nguồn: Sưu tầm
      Trên cơ sở kế thừa những thành quả, những quy định trước đây, đồng thời để được Luật hóa, ngày 21 tháng 6 năm 2024, Quốc hội đã quy định ngày 3/1 hằng năm là Ngày Lưu trữ Việt Nam tại Điều 6 Luật Lưu trữ năm 2024. Đây là giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành Lưu trữ để không phải chỉ làm tốt sứ mệnh gìn giữ thông tin quá khứ, mà còn khẳng định và định hướng những hoạt động phát huy giá trị tài liệu để giữ gìn và phát huy sẽ trở thành 2 thành tố không thể thiếu, cơ hữu và quan trọng như nhau.
Trải qua 79 năm lịch sử hình thành và phát triển ngành lưu trữ Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Ngành đã chủ động triển khai thực hiện Luật Lưu trữ, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác lưu trữ thống nhất, đồng thời tăng cường các giải pháp để bảo vệ an toàn và phát huy có hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia, đặc biệt là trong việc đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Những nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức ngành lưu trữ đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận, đánh giá cao, đặc biệt trong bối cảnh xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay
      Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Thái Nguyên thực hiện nhiệm vụ của Lưu trữ lịch sử
    Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Thái Nguyên là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên, có chức năng giúp Giám đốc Sở Nội vụ trực tiếp quản lý và thực hiện hoạt động lưu trữ đối với tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh thuộc phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao; thực hiện cung cấp dịch vụ công và dịch vụ lưu trữ.
LTVN 01 03
Tập thể viên chức, người lao động Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Thái Nguyên
      Nhằm góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chung của ngành Lưu trữ Việt Nam, công tác lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua đã có nhiều đóng góp tích cực, Lãnh đạo Trung tâm đã có nhiều chỉ đạo trong công tác tham mưu ban hành văn bản và các nghiệp vụ hoạt động lưu trữ của ngành. Hiện nay, Trung tâm đang quản lý, bảo quản an toàn 2.102,7 mét giá tài liệu của 94 phông lưu trữ. Tiếp nhận, sắp xếp và bảo quản 359,8 mét giá tài liệu của 17 cơ quan, tổ chức. Đây là khối tài liệu có giá trị quan trọng và được bảo quản vĩnh viễn phục vụ các nhu cầu khai thác, sử dụng tài liệu kịp thời cho lãnh đạo các cấp trong tỉnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đồng thời phát huy được giá trị lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Nguồn tin: Dương Thị Diệu Linh - Phòng Hành chính - Khai thác, sử dụng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây