Phát huy giá trị, đưa tài liệu nhập cuộc đời sống

Thứ hai - 30/12/2024 08:39 0
Tài liệu lưu trữ quốc gia là những bằng chứng lịch sử quý giá, chứa đựng những thông tin xác thực về nhiều vấn đề, sự kiện thuộc mọi lĩnh vực của đời sống, phản ánh thành tựu sáng tạo của Nhân dân qua các thời kỳ, góp phần xác lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Những tài liệu này không chỉ có giá trị phục vụ nghiên cứu lịch sử, mà còn có giá trị đặc biệt trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ đất nước.
      1. Tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời luôn đánh giá cao vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ và tài liệu lưu trữ quốc gia. Ngày 03/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 1-C/VP gửi các ông Bộ trưởng. Nội dung Thông đạt nêu rõ “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia và cấm không được tiêu huỷ công văn, tài liệu nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép huỷ bỏ”.
DL1
Thông đạt 1-C/VP ngày 03/01/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Sưu tầm
      Nhận thức rõ tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ đối với việc xây dựng và kiến thiết đất nước, Đảng và Nhà nước đã từng bước đầu tư thích đáng cho công tác văn thư, lưu trữ và đạt được nhiều thành quả.
      Pháp lệnh Lưu trữ Quốc gia năm 2001 nêu: “Tài liệu lưu trữ Quốc gia là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tài liệu lưu trữ Quốc gia là tài liệu có giá trị về chính trị, là kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ được hình thành trong các thời kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam, trong quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và các nhân vật lịch sử, tiêu biểu phục vụ việc nghiên cứu lịch sử, khoa học và hoạt động thực tiễn”.
      Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lưu trữ năm 2024, trong đó có một chương quy định về “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ”. Đây là giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành Lưu trữ để không phải chỉ làm tốt sứ mệnh gìn giữ thông tin quá khứ, mà còn khẳng định và định hướng những hoạt động phát huy giá trị tài liệu để giữ gìn và phát huy sẽ trở thành 2 thành tố không thể thiếu, cơ hữu và quan trọng như nhau.
      Thực tiễn quá trình hình thành và phát triển công tác lưu trữ ở nước ta nhiều năm qua đã chứng minh sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác lưu trữ là đúng đắn và sáng tạo. Tài liệu lưu trữ Quốc gia đã và đang phát huy những giá trị to lớn, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ được quản lý tập trung, thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập, chỉnh lý, bảo quản và khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
      2. Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Thái Nguyên thực hiện nhiệm vụ của Lưu trữ lịch sử, đưa tài liệu đến với đời sống
     Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Thái Nguyên là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên, có chức năng giúp Giám đốc Sở Nội vụ trực tiếp quản lý và thực hiện hoạt động lưu trữ đối với tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh thuộc phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao; thực hiện cung cấp dịch vụ công và dịch vụ lưu trữ.
      Quản lý, bảo quản tài liệu lưu trữ
      Tính đến hết năm 2024, Trung tâm đang quản lý, bảo quản an toàn 2.102,7 mét giá tài liệu của 94 phông lưu trữ. Tiếp nhận, sắp xếp và bảo quản 359,8 mét giá tài liệu của 17 cơ quan, tổ chức. Rà soát, lập danh mục hồ sơ, tài liệu chỉ các mức độ mật Phông lưu trữ Uỷ ban hành chính tỉnh Thái Nguyên năm 1945 - 1965, Phông lưu trữ Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Thái giai đoạn 1965 - 1996. Lập danh mục hồ sơ tài liệu chỉ các mức độ mật và hạn chế sử dụng Phông lưu trữ Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên năm 2007. Rà soát hồ sơ tài liệu hạn chế sử dụng thuộc Phông Lưu trữ Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2004 - 2009.
DL2
Viên chức Trung tâm thực hiện nhiệm vụ chỉnh lý tài liệu trên kho
       Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ
      Nhiệm vụ của những người làm lưu trữ là đưa những giá trị chính trị, lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc thành những “viên kim cương” trong dòng chảy lịch sử, trong sự phát triển của dân tộc. Việc công bố tài liệu lưu trữ cũng là một trong những mục tiêu nhằm phát huy giá trị tài liệu, ở thời điểm này nó không chỉ hợp với lòng dân, với tình cảm của toàn xã hội mà của cả những người làm lưu trữ.
      Trong năm 2023, thực, Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 10/5/2023 về việc thực hiện Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước tại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2030”, Kế hoạch số 115/KH-SNV ngày 10/8/2023 của Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên về việc thực hiện Chương trình Công bố, trao trả hồ sơ cán bộ đi B tỉnh Thái Nguyên; đã tổ chức Chương trình công bố, trao trả hồ sơ cho 35 cán bộ đi B và thân nhân cán bộ đi B tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời giới thiệu Website của Trung tâm với tên miền https://luutruthainguyen.org.vn cung cấp thông tin tổng hợp, hữu hiệu về hoạt động lưu trữ, trong đó có công tác công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ, phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng tài liệu của người dân.
       Năm 2024, Trung tâm Lưu trữ lịch sử phục vụ độc giả tại phòng đọc 10 lượt. Độc giả được trực tiếp sử dụng nhiều tài liệu lưu trữ, cùng một lúc có thể nghiên cứu nhiều văn bản cần thiết có nội dung liên quan đến nhau; gặp gỡ, trao đổi thông tin; sử dụng nhiều loại công cụ tra cứu, tài liệu tham khảo; dễ dàng lựa chọn và sao chụp những tài liệu cần thiết.
DL3
Độc giả đến khai thác tài liệu tại Phòng Đọc Trung tâm
       Trung tâm đã tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua Trung tâm Phục vụ hành chính công 235 hồ sơ trong đó: tiếp nhận trực tuyến 234 hồ sơ; cấp bản chứng thực tài liệu lưu trữ 1259 văn bản, cấp bản sao tài liệu lưu trữ 164 bản; thực hiện thanh toán trực tuyến 178 hồ sơ; trả kết quả 90 hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích. Thực hiện nghiên cứu, tra tìm tài liệu; tổ chức sưu tầm tài liệu lưu trữ, tư liệu, hình ảnh tại các cơ quan trong và ngoài tỉnh; phối hợp với Trung tâm Thông tin xây dựng và công bố phóng sự “Tổ chức hành chính tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ” giai đoạn từ năm 1945 đến nay trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên.
DL4
Viên chức Trung tâm thực hiện nhiệm vụ số hóa tài liệu
       Để phát huy tốt giá trị của tài liệu lưu trữ, trước tiên cần có sự thay đổi nhiều về cách nhìn và quan niệm về tài liệu lưu trữ. Vẫn còn nhiều quan niệm cho rằng việc lưu trữ tài liệu chủ yếu là để bảo quản an toàn tài liệu, không để hư hỏng, mất mát tài liệu hay để phục vụ cho nhu cầu khai thác của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, không mở rộng cho các đối tượng độc giả, đối tượng bên ngoài khai thác, vì thế chưa quan tâm đầu tư cho công tác tuyên truyền, giới thiệu tài liệu lưu trữ.
      Các cơ quan, đơn vị thuộc nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử cần thay đổi quan niệm và nhận thức về công tác lưu trữ đối với tài liệu lưu trữ của đơn vị mình khi đến hạn giao nộp về lưu trữ lịch sử cần tiến hành chọn những tài liệu có giá trị vĩnh viễn để giao nộp Trung tâm Lưu trữ lịch sử nhằm bảo quản an toàn tài liệu, bảo mật thông tin trong tài liệu lưu trữ, tổ chức phục vụ khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ có hiệu quả và tạo điều kiện tốt nhất để độc giả có thể thuận tiện trong việc tiếp cận, khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ, phát huy tốt những giá trị của tài liệu lưu trữ phục vụ nhu cầu xã hội, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển tài liệu của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Nguồn tin: Dương Thị Diệu Linh - Phòng Hành chính - Khai thác, sử dụng:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây