Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Thái Nguyênhttps://luutruthainguyen.org.vn/uploads/logo.png
Thứ ba - 08/10/2024 22:220
Thông đạt số 01-C/VP ngày 03/01/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Tài liệu có giá trị đặc biệt trên phương diện kiến thiết quốc gia”. Tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa của dân tộc và là tài sản đặc biệt của quốc gia, chứa đựng những thông tin phong phú, có độ tin cậy cao, phản ánh một cách toàn diện, trung thực mọi mặt của đời sống xã hội, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1. Tình hình tài liệu lưu trữ lịch sử đang bảo quản tại Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Thái Nguyên Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Thái Nguyên là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên, có chức năng giúp Giám đốc Sở Nội vụ trực tiếp quản lý và thực hiện hoạt động lưu trữ đối với tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh thuộc phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao; thực hiện cung cấp dịch vụ công và dịch vụ lưu trữ. Tính đến quý III năm 2004, Trung tâm đang bảo quản tài liệu lưu trữ 87 Phông Lưu trữ khoảng 2.000 mét giá tài liệu, của các cơ quan, tổ chức tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ. Đây là khối tài liệu lớn có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và của tỉnh nhà nói riêng. Do vậy, công tác phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của tỉnh có ý nghĩa quan trọng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của công chúng về sự hình thành và phát triển tỉnh Thái Nguyên qua các thời kỳ lịch sử; đồng thời, giáo dục truyền thống, lịch sử của dân tộc và của tỉnh Thái Nguyên trong việc bảo tồn các giá trị di sản của địa phương, góp phần phục vụ cho công cuộc cải cách hành chính của tỉnh nhà.
2. Những kết quả đạt được trong công tác khai thác và sử dụng tài liệu Lưu trữ lịch sử tỉnh Tính tới hết quý III năm 2024, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua Trung tâm Phục vụ hành chính công 184 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến 170 thủ tục, không có hồ sơ nào giải quyết quá hạn; phục vụ độc giả tại Phòng đọc 07 lượt người, cấp bản chứng thực tài liệu lưu trữ 960 văn bản; cấp bản sao tài liệu lưu trữ 138 văn bản; Thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia của Trung tâm Lưu trữ lịch sử 127 hồ sơ. Thực hiện trả lời văn bản của các cơ quan, tổ chức về việc đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu lưu trữ.
Trong khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ, độc giả đến Trung tâm phần lớn là những lão thành cách mạng, những gia đình có công đóng góp giúp đỡ cách mạng và thân nhân của những người đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước để tra tìm những hồ sơ, tài liệu còn lưu giữ. Với tinh thần trách nhiệm phục vụ công chúng trong giải quyết công việc, viên chức Trung tâm luôn có thái độ lịch sự, ân cần, vui vẻ và hướng dẫn tận tình, chu đáo về các quy định của Nhà nước trong việc khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh, giúp cho tổ chức, công dân thực hiện đúng theo quy định. Đồng thời, thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tài liệu đáp ứng được yêu cầu của độc giả trong khai thác, tra tìm hồ sơ, tài liệu đảm bảo kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả; nhờ đó mà trong những năm qua Trung tâm luôn đem lại sự hài lòng cho tổ chức, công dân trong và ngoài tỉnh.
3. Một số giải pháp trong công tác phát huy hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh Để thực hiện tốt công tác quản lý tài liệu lưu trữ và phát huy hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh; Trung tâm đề ra một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới: - Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị của tài liệu lưu trữ lịch sử, thông qua các hình thức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, Trang thông tin điện tử Sở, trang thông tin của Trung tâm để nâng cao nhận thức của toàn xã hội và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương về vai trò, ý nghĩa, giá trị của tài liệu lưu trữ; góp phần quan trọng vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. - Tăng cường công tác giáo dục viên chức, người lao động trong Trung tâm tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đề cao tính tiền phong, gương mẫu, nêu gương và đổi mới tác phong làm việc; thực hiện đạo đức,văn hóa công vụ tôn trọng và phục vụ nhân dân trong thực thi công vụ. - Tăng cường và thực hiện tốt công tác tu bổ, bồi nền, phục chế tài liệu; chỉnh lý, nâng cấp tài liệu; ứng dụng công nghệ thông tin số hóa bảo hiểm tài liệu… nhằm phục vụ độc giả đến khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ tại Phòng đọc và dịch vụ công trực tuyến. - Tăng cường công tác sưu tầm, thu thập tài liệu quý, hiếm về các tài liệu, tư liệu liên quan đến Thái Nguyên tại các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh để góp phần bổ sung vào nguồn sử liệu của tỉnh nhà ngày càng phong phú./.
Một số hình ảnh độc giả đến tra cứu, sử dụng tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử, Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên:
Nguồn tin: Dương Thị Diệu Linh - Phòng Hành chính - Khai thác, sử dụng